[24H – Phần 3] Đu cột và làm chuyện mình thích

24 giờ mỗi ngày này là của bạn, bạn có quyền biến nó thành từng phút giây của bạn, hoặc hằn học, nổi nóng, trách móc vì bạn đã cho người khác cơ hội lấy đi 24 giờ của bạn.

Mình đã từng là một đứa làm việc bán mạng.

Thời điểm đầu tiên đi làm, mình rất hay làm việc khuya, làm quá giờ, bỏ ăn, thậm chí là quên đi luôn những sở thích cá nhân, chớ tạm thời đừng nói đến việc sống lành mạnh. Sau đó thì một (vài) lần bệnh nặng, thấy được bản thân đang đứng trước nguy cơ của tuổi già, thấy được rằng mỗi lần mình đổ bệnh thì đầu tiên có mình khổ, sau đó ba mẹ mình khổ, chứ lúc đó công việc đâu có quay lại và nói: “hey, Tiên khỏe hông, nghỉ ngơi đi nhé!”, hay tất nhiên sếp và đồng nghiệp có hỏi han, có thăm bệnh thì cũng một hai câu, chứ không thể nào thay mình gánh cái bệnh của mình. Bệnh, chung quy là khổ, nên để không khổ, thì thôi đừng bệnh.

Con người từ khoảnh khắc được cắt dây rốn khỏi bụng mẹ, thì bắt đầu cuộc sống độc lập của mình. Những thứ thuộc về Tiên Thiên (tức là thừa hưởng từ bộ gen của cha mẹ) sẽ chính thức không được nhận gì nữa, nó giống một cái ngân hàng lưu trữ mà cha mẹ để lại cho mình. Nếu mình sống tốt, chia Tiên Thiên ấy ra mà xài từ từ, tốt nhất là không xài luôn, để sau này dưỡng già, thì về già mình vẫn khỏe tung tăng, sống thật lâu và thật vui. Còn những khi còn trẻ mà không chịu ăn uống, không chịu tập luyện, không chịu tự tích lũy, cứ một trận ốm là lôi Tiên Thiên ra xài, thì “vốn thừa kế” hết sớm, “đi” sớm, vậy thôi =))

Đó là nguyên do chính dẫn mình đến lối sống lành mạnh hơn. Thật sự lành mạnh chớ không phải vẽ vời màu mè tự ảo tưởng như trước đây. Nguyên tắc của mình rất đơn giản, và mình luôn cố gắng tuân thủ nguyên tắc bản thân đã đặt ra:

1. Tôn trọng giờ giấc

Biểu hiện đầu tiên là tự thiết lập cho mình một cái đồng hồ sinh học phù hợp với mình và với những công việc mình phải làm hàng ngày. Mình chắc chắn không phải một “morning girl”, bằng chứng là không thể nào dậy sớm để học bài, vì não mình không chịu vận hành lúc sáng sớm. Tuy nhiên, mình rèn luyện việc dậy sớm, ban đầu là mỗi ngày sớm hơn một chút (5-10 phút) để tắm rửa đầu ngày, chuẩn bị quần áo sách vở để đến lớp học Đông y và ăn sáng. Sau này mình đã có thể dậy tầm 6h30 sáng, nên dư ra một khoảng thời gian vừa ăn sáng vừa trò chuyện với mẹ, sau đó tung tăng đến chỗ học và có chút thời gian xem lại bài trước khi vào lớp. Vì thức dậy sớm và đi làm nên không được ngủ trưa, điều đó bắt buộc tối mình phải ngủ sớm. Cứ đúng 11h là mắt mình không thể mở nổi nữa, mình dẹp sách vở máy móc sang một bên, đi đánh răng, skincare nhẹ nhàng rồi  bật vài bản nhạc nghe xong ngủ luôn.

Với chuyện đi làm, hãy tập đến chỗ làm đúng giờ và ra khỏi chỗ làm đúng giờ. Đa số mọi người không thể làm được cái vế thứ hai, đơn giản vì cả nể. Thấy sếp chưa về thì làm sao nhân viên dám bước ra khỏi chỗ làm sớm? (Mình đang nói ở Việt Nam thôi nha) Rồi ví dụ trong lúc công ty bước vào giai đoạn dầu sôi lửa bỏng, dám chừng bình thường 6h ra về thì ngồi cắm mặt làm đến 7-8h tối. Mình không lên án chuyện làm tăng ca, nhưng mọi thứ cần có mức độ. Nếu nhiều hơn 1 người ngồi nán lại, tất cả những người khác cũng sẽ nán lại. Và như vậy, cả công ty chả ai ra về. Ở nhà vẫn có người đợi cơm, cái dạ dày của bạn cũng đang đợi cơm, bộ não của bạn cũng đang đợi được nghỉ ngơi. Thật ra đã gọi là làm ráng, thì hiệu suất công việc không thể đạt 100%. Cho nên, đúng giờ thì ra về, ra về rồi thì để đầu óc thoải mái, tái tạo tế bào não, ngày mai lại nghĩ ra được nhiều thứ mới mẻ hay ho hơn đóng góp cho công ty. Chứ cứ để công việc tồn đọng trong đầu, lởn vởn như bóng ma ám đến không ngủ được, căng thẳng tăng cao, thì chết hết ráo :))

Dạo này mình mới phát hiện ra căn bệnh ống cổ tay của mình, tổn thương dây thần kinh ngoại biên, do đánh máy nhiều và không có chỗ tỳ tay đúng tư thế. Trước đó mình cũng có ngoan cố làm việc, nhưng sau khi biết bản thân có bệnh, thì liền sống điều độ hơn, để ba châm cứu, làm việc một lúc cũng đi đứng tới lui cho các cơ được thư giãn. Mọi người ở công ty mình thì không vậy, ai cũng cắm mặt làm làm làm, mà theo mình thấy là việc sáng tạo không thể cứ bóp vắt não như thế mãi được, sản phẩm làm ra chẳng thấy có gì đột phá được so với thời gian não thư giãn. Nên để noi gương cho lối sống lành mạnh, đúng giờ là mình đến công ty, đôi khi có thể đến sớm hơn ngồi quan sát mọi người và chẩn xem có ai đang có nguy cơ bệnh gì không, rồi đúng giờ là ra về, để mọi người còn về mà nghỉ ngơi.

Đường dài mới biết ngựa hay, không sai mấy.

2. Dứt điểm từng thứ

Dân gian có câu “giờ nào việc nấy” chính là như vậy. Bất chấp thế giới có sụp đổ, một khi mình đã bước vào trạng thái tập trung, không ai có thể làm phiền đến mình. Ví dụ mình đã xác định bây giờ sẽ hoàn thành bài blog này, thì mình sẽ hoàn thành bài blog này, đừng hòng mà làm phiền mình trong lúc mình viết. Cũng vậy, khi đi làm, hãy khiến cho 8 tiếng ở chỗ làm thật sự ý nghĩa. Đừng ngồi lê đôi mách, đừng lo ra lo vô việc khác, đừng nghĩ đến chuyện làm ít ít thôi chừa việc ngày mai làm tiếp… Khi đã bật “mode” làm việc lên, thì chỉ làm việc, rồi tầm 1 tiếng hay 30 phút thì đứng lên hít thở, uống nước, đi dạo vài vòng rồi quay lại hoàn thành nốt công việc. Khi đã xong việc, hãy để nó ra khỏi đầu, ra về, và tận hưởng thế giới riêng của bạn.

Hãy cho bản thân có thời gian chơi với chính mình, nghe bản nhạc mình yêu thích, xem một tập phim bạn ngóng chờ. Hãy cho bản thân thời gian được học ngoại ngữ mình yêu thích, được tập môn thể thao mình mong muốn và được thưởng thức bữa ăn trọn vẹn cảm quan.

Có một điều ở chỗ mình làm, là dạo này mọi người stress quá, nên có người bỏ bữa, có người ăn có một chút, có người ăn vội ăn vàng, có người không cảm nhận được đồ ăn có ngon hay không, cũng có người thậm chí còn không nhớ ra là bản thân cần ăn. Có cô bé thiết kế đã đi gặp bác sĩ rồi, nhìn mặt nó như mới chết dậy. Với tình hình này, mình lo sợ mọi người sẽ không bền bỉ nổi. Lôi Tiên Thiên ra xài thâm hụt luôn cho xem :)) Mình tất nhiên cũng có cái stress riêng của mình, nhưng mình kiểm soát được nó, và mình vẫn dành thời gian thưởng thức bữa ăn và không gian quanh mình. Đồ ăn nó đâu có tội, vậy thì hãy giúp nó hoàn thành sứ mệnh của nó: sứ mệnh dinh dưỡng cho con người.

Khi mình dứt điểm một thứ, đầu óc mình sẵn sàng cho những thứ khác. Sẽ không có cảm giác tiếc nuối, hay là day dứt, hay là như ngồi trên đống lửa cứ lo sợ có gì đó sẽ ập đến.

Mình dạo này học cột, khá khó, chủ yếu để luyện cơ, tăng sức khỏe, và cả độ khéo léo. Đã có nhiều lúc mình muốn bỏ, nhưng nghĩ lại làm vậy thật thiếu nghị lực :)) Mình cảm thấy rất rõ ràng từ ngày đi tập, sức bền của mình tốt hơn hẳn, nói đúng hơn là mình ăn uống điều độ hơn, độ tập trung của mình cũng tốt hơn. Mình có thể làm việc liên tục mà không bị gián đoạn, và thần trí mình tươi tỉnh hơn, từ đó kiểm soát căng thẳng tốt hơn và khi gặp vấn đề sẽ mau có cách giải quyết, lại còn bình tĩnh hơn. Do vậy, mình vẫn tiếp tục đi tập để tăng sức khỏe, cũng không ép bản thân phải làm được cái A cái B chỉ sau thời gian ngắn. Mình tận hưởng. Và mình dứt điểm thời gian cho mỗi ngày.

3. Tập nói “không”

Cái này nghe rất vô lý nhưng thật ra lại rất thuyết phục :)) Hãy cho bản thân cơ hội thử, trải nghiệm, sau đó lựa chọn ra thứ mình thích, và nói “không” với những thứ không phù hợp với mình.

Bạn có quyền làm người tử tế, nhưng có 2 kiểu tử tế:

  • Kiểu tử tế số 1 mà mình cho là một người khôn ngoan nên làm và thường làm: giúp đỡ người khác trong khả năng của mình.
  • Kiểu tử tế số 2 là kiểu ngày xưa mình hay làm và chẳng đi đến đâu: cắt thịt của mình cho người khác. Này là ẩn dụ, ý nói bạn giúp người khác nhiều hơn thứ bản thân mình có thể làm.

Trái đất này có rất nhiều người cần sự giúp đỡ, nhưng thịt của bạn chắc chắn có giới hạn, đúng chứ? Bạn cứ giúp đỡ người khác vô điều kiện, về lâu dài, bạn sức cùng lực kiệt sẽ quay sang trách móc người ta, còn người được bạn giúp đỡ sẽ không học được bài học của sự cố gắng. Rằng mọi thứ đều cần thời gian, cần duyên, và một chút chịu đựng tự thân. Sẽ chỉ có 2 đối tượng mà mình sẽ tử tế bất chấp mọi thứ: một là ba mẹ mình và 2 là người mà mình yêu yêu yêu yêu yêu yêu yêu yêu yêu gắn bó như máu thịt (nhiều chữ yêu để cho thấy rất khó có được người như vậy :))))

Do vậy, hãy tập nói “không” với những lời đề nghị bạn cho là không phù hợp với bạn. Hãy cho bản thân được quyền nghỉ ngơi, được quyền từ chối những điều khiến bạn mệt mỏi. Khi đó, bạn sẽ tập trung hơn cho con đường bạn đang đi. Thật khó để diễn giải chi tiết quan niệm này ra, nhưng mình tin rằng những người sống hết mình, chính là những người hiểu bản thân mình trước.

Đoạn này cũng hàm ý rằng bạn cần từ tốn với mục tiêu của mình. Ai cũng có ước mơ, nhất là những bạn trẻ. Càng trẻ thì ước mơ càng lớn, càng vĩ đại. Nhưng làm gì cũng cần từ tốn, chớ đừng ép bản thân quá, thành ra vắt kiệt như vắt trái chanh, sau đó mỗi ngày sống đều mệt mỏi, thấy chả có gì vui.

Tóm lại, mình làm sao cân bằng 24 giờ trong 1 ngày?

Chính là thưởng thức cuộc sống, chứ không vắt ép cuộc sống.

24 giờ mỗi ngày này là của bạn, bạn có quyền biến nó thành từng phút giây của bạn, hoặc hằn học, nổi nóng, trách móc vì bạn đã cho người khác cơ hội lấy đi 24 giờ của bạn.

Chẳng ai lấy đi thời gian của bạn. Nó luôn ở đó. Chờ bạn tận hưởng.

Dạo này mình nghe bài nhạc Hoa này thấy hay, gắn đây nếu bạn cũng muốn nghe. Chúc cho chúng ta sẽ giảm thiểu số hối hận chúng ta có trong cuộc đời này, bằng cách sống trọn vẹn với hiện tại.

Niên thiếu hữu vi (tạm diễn giải: Tuổi trẻ có triển vọng) – Lý Vinh Hạo

IMG | Adrianna Calvo (Pexels.com)

Author: thuytiendory

Truyện Tiên kể. Đôi dòng Tiên sáng tác.

Leave a comment